Lịch sử khí tượng Bão_Maysak_(2015)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Nguồn gốc của bão Maysak có thể theo dõi bắt đầu từ một vùng áp suất thấp hình thành trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Marshall vào ngày 23 tháng 3. Hệ thống sau đó trôi dạt chậm về phía Tây Bắc và hai ngày sau nó đã trở nên có tổ chức hơn. Vào ngày 25, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) thông báo khả năng hình thành nên xoáy thuận nhiệt đới là ở mức trung bình.[4] Ngày hôm sau, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã bắt đầu theo dõi hệ thống như là một áp thấp nhiệt đới.[5] Sang ngày 27, JTWC cũng phân loại hệ thống là áp thấp nhiệt đới, và họ chỉ định cho nó ký hiệu 04W.[6] Di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, vùng trung tâm áp thấp nhiệt đới trở nên ngày một củng cố với dải đối lưu bao bọc vào bên trong, và JTWC đã nâng cấp nó lên thành bão nhiệt đới trong cùng ngày.[7] Cuối ngày, JMA cũng nâng cấp hệ thống lên thành bão nhiệt đới, và họ đặt tên cho nó là Maysak.[8] Vào ngày 28, hình ảnh vệ tinh sóng ngắn tiết lộ một mắt bão với khối mây trung tâm dày đặc che mờ đi hầu hết các đặc điểm. Cơn bão di chuyển theo hướng Tây dọc theo rìa của áp cao cận nhiệt,[9] và đó là lúc JMA nâng cấp nó thành bão nhiệt đới dữ dội.[10] Mắt bão dần trở nên rõ nét hơn cùng đối lưu sâu duy trì ở góc phần tư phía Đông Nam của cơn bão; khối mây trung tâm cũng trở nên đồng nhất hơn,[11] và trong ngày hôm đó JMA đã nâng cấp Maysak lên thành bão cuồng phong.[12]

Mắt của Maysak nhìn từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Trên quỹ đạo di chuyển theo hướng Tây, Maysak phát triển ra dòng thổi ra tỏa tròn ổn định, được tăng cường bởi dòng thổi phía Bắc mạnh.[13] Bất chấp những điều kiện thuận lợi, độ đứt gió theo chiều thẳng đứng ở mức trung bình đã ngăn không cho cơn bão mạnh lên nhanh chóng.[14] Trong ba ngày tiếp theo Maysak tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc. Vào ngày 30, mắt của cơn bão trở nên trông thấy rõ nét, với những dải đối lưu quấn chặt vào thành mắt bão.[15] Sau khi độ đứt gió theo chiều thẳng đứng giảm xuống, Maysak tăng cường mạnh mẽ; chỉ trong vòng 6 tiếng từ bão cấp 1 nó đã đạt đến cường độ bão cấp 4 trong thang Saffir-Simpson (SSHWS) với vận tốc gió 230 km/giờ (145 dặm/giờ), cùng một con mắt có bề rộng 30 km (19 dặm).[16] Sang ngày 31, Maysak tiếp tục mạnh thêm, trở thành siêu bão cấp 5 trong thang SSHWS, với vận tốc gió duy trì một phút 260 km/giờ (160 dặm/giờ).[17] Không lâu sau, JMA đánh giá Maysak đạt đỉnh với vận tốc gió duy trì 10 phút 215 km/giờ (130 dặm/giờ) cùng áp suất trung tâm 905 mbar (hPa; 26,73 inHg). Mặc dù sau này khi phân tích lại JMA đã hạ thấp cường độ cơn bão, với các giá trị áp suất và vận tốc gió lần lượt điều chỉnh là 910 mbar (hPa; 26,87 inHg) và 195 km/giờ (120 dặm/giờ), đó vẫn là đủ để giúp Maysak trở thành cơn bão Tây Bắc Thái Bình Dương mạnh nhất từng được ghi nhận trong tháng 3.[18] Vào một khoảng thời điểm, Maysak đã có một con mắt rất tròn với một "chiếc nhẫn" mây đối lưu đồng nhất bao quanh, thiếu đi đối lưu bên ngoài "chiếc nhẫn", đó là những đặc điểm của xoáy thuận nhiệt đới hình khuyên.[19] Đến ngày 1 tháng 4, JTWC báo cáo rằng mắt bão đã mở rộng với đường kính 40 km (25 dặm) sau khi Maysak trải qua chu trình thay thế thành mắt bão.[20] Cùng thời điểm, JMA thông báo Maysak bắt đầu suy yếu.[21] Những hình ảnh vệ tinh hồng ngoại cho thấy chiếc nhẫn đối lưu xung quanh mắt đã bắt đầu giảm cấp, với nhiệt độ đỉnh mây tăng lên; cùng với đó nhiệt độ trong mắt bão cũng giảm dần. Sau 24 giờ ở cường độ bão cấp 5, JTWC đã hạ vận tốc gió của Maysak xuống 240 km/giờ (150 dặm/giờ), tương ứng trạng thái siêu bão cấp 4.[22]

Những điều kiện môi trường trên tầng cao bắt đầu xấu đi, và không khí khô đã xâm nhập vào trong cơn bão. Vào thời điểm 15:00 UTC ngày 1 tháng 4, JTWC báo cáo rằng đối lưu ở phần phía Nam đã suy yếu trầm trọng.[23] Cùng khoảng thời gian đó, Maysak đi vào Khu vực Trách nhiệm của Philippines, và Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) bắt đầu theo dõi hệ thống. Tổ chức này đã đặt cho cơn bão một cái tên địa phương là Chedeng.[24] Cuối ngày, lượng không khí khô xâm nhập vào tăng lên, và Maysak tiếp tục suy yếu. Cấu trúc mây đối lưu tổng quan của cơn bão xuống cấp với hầu hết đối lưu mạnh chỉ tập trung ở phần phía Bắc.[25] Sang ngày mùng 2, mắt bão đã mở rộng hơn tới đường kính 50 km (31 dặm) cùng với không khí khô cuốn vào tâm.[26] Bên cạnh đó Maysak còn gặp phải độ đứt gió mạnh ở phía Tây, kết quả khiến đối lưu sâu tan biến toàn bộ, và thành mắt bão suy yếu, chủ yếu ở phần phía Nam.[27] Mắt bão cũng trở nên bị che khuất vào cuối ngày hôm đó. Vào ngày 5 tháng 4, sau một thời gian tiếp tục suy yếu, Maysak đổ bộ lên Luzon với cường độ bão nhiệt đới. Chỉ vài giờ sau, hệ thống đã bị giáng cấp xuống thành áp thấp nhiệt đới, trước khi tan trên Biển Đông trong ngày hôm sau.[28]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Maysak_(2015) http://www.abc.net.au/news/2015-04-02/cyclone-mays... http://www.spaceref.com/news/viewsr.html?pid=47041 http://www.washingtonpost.com/blogs/capital-weathe... http://reliefweb.int/sites/reliefweb.int/files/res... http://agora.ex.nii.ac.jp/cgi-bin/dt/search_name2.... http://agora.ex.nii.ac.jp/digital-typhoon/summary/... http://www.jma.go.jp/en/typh/1504.html http://www.nrlmry.navy.mil/tcdat/tc15/WPAC/04W.MAY... http://www.usno.navy.mil/JTWC/ http://www.webcitation.org/6XJVBiPOv